Đã mắt’ với những loại bánh ngọt đến từ Nhật Bản
Wagashi là từ dùng để chỉ các loại đồ ngọt được trình bày đẹp mắt, mang tính thẩm mĩ cao chứ không đơn thuần là ngon miệng. Người dân xứ anh đào vốn có quan niệm mĩ học rất sâu sắc, do đó cái đẹp trở thành chuẩn mực hàng đầu trong từng lĩnh vực của đời sống Nhật Bản. Không đơn thuần là một món ăn, Wagashi mang trong mình cả sự tinh tế và đa dạng văn hóa vô cùng thú vị.
Wagashi – Món bánh ngọt cổ truyền của người dân Nhật Bản
Theo Hán Tự từ “wagashi” đọc là Hòa Quả Tử (nghĩa là bánh ngọt), như vậy “wagashi” là tên gọi chung cho các món bánh ngọt truyền thống lâu đời của Nhật Bản, với thành phần chính là làm từ bột nếp, nhân đậu đỏ và hoa quả. Wagashi xuất hiện vào thời Yayoi nhưng nghệ thuật làm bánh Wagashi chỉ thực sự được thăng hoa vào đầu thời đại Edo (1603 – 1867) do sự cạnh tranh và phát triển của các tiệm bánh ở Kyoto, Edo, Kanagawa… Các loại wagashi tuyệt vời nhất đã xuất hiện trong thời gian này và chúng được dùng trong các buổi tiệc trà, các bữa ăn nhẹ và dùng làm quà biếu cùng với rượu giữa các Samurai. Tên bánh “Wagashi” được đặt ra vào thời kỳ cuối của thời đại Taisho (1912 – 1926) để làm dấu hiệu phân biết với bánh ngọt Phương Tây. Mặc dù bánh Wagashi bị ảnh hưởng bởi văn hóa nước ngoài trong những thập kỷ vừa qua nhưng chúng vẫn giữ được những nét văn hóa riêng của Nhật Bản.
Wagashi – Thế giới đa sắc màu hương vị
Tùy theo mùa, bánh wagashi được làm bằng những nguyên liệu khác nhau, chủ yếu là từ thực vật như các loại bột, đậu, thạch rong biển, đường mía, gừng, mè, trái cây khô… Hình ảnh thiên nhiên bốn mùa chính là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ nhân làm bánh. Mùa xuân, đĩa bánh là muôn hoa khoe sắc. Mùa hè nóng nực thì bánh long lanh, trong suốt, mát rượi như nước. Mùa thu bánh như chiếc lá phong đỏ thắm trong rừng chiều. Mùa đông bánh có dạng những con cá nướng vàng, gợi cảm giác ấm áp của bếp lửa gia đình. Nhìn vào đĩa bánh, người ta biết mùa đến và mùa đi. Chính vì vậy, khi đi du lịch Nhật Bản, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức và khám phá nền văn hoá, ẩm thực độc đáo của Nhật Bản.
Với niềm đam mê sáng tạo, người Nhậtlàm ra nhiều loại wagashi, phổ biến nhất là các loại sau:
1. Hanabiramochi
Chiếc bánh mang hình cánh hoa. Ngày xưa, khi đường còn hiếm và đắt thì đây là món chỉ dành cho hoàng gia thưởng thức vào dịp đầu năm.
2. Mochigashi
Chiếc bánh được làm từ gạo nếp, gói trong lá sồi, ăn vào mùa xuân.
3. Dango
Món bánh này cũng làm từ bột nếp, vo tròn làm thành từng viên nhỏ sau đó xiên vào cây và rưới lên bánh một lớp mật mía. Đây cũng là thức ăn dễ gặp trên đường phố Nhật Bản cùng với các loại cá viên, tôm viên chiên… Bánh thường để quanh bếp than và được nướng trước khi ăn, rất hấp dẫn.
4. Nerikiri và Namagashi
Namagashi thực chất là một loại mochi đặc biệt, bởi nó mô phỏng hình dáng các loài hoa cỏ đặc trưng cho 4 mùa trên nước Nhật: Như hoa đào cho mùa xuân, quýt vàng cho mùa hạ, lá phong cho mùa thu, hoa mơ cho mùa đông… Qua namagashi, thiên nhiên Nhật Bản hiện lên sinh động, tươi đẹp và mang đậm dấu ấn của riêng mình.
5. Dorayaki và Monaka
Dorayaki và Monaka thường mang hình hoa đào hoặc hoa cúc mà nhân chính giữa là đậu đỏ, còn lớp vỏ mỏng giòn làm từ trứng và bột mì. Ở Việt nam, Dorayaki nổi tiếng là món bánh đặc trưng của nhân vật Doraemon
6. Manju
Đây là món bánh bao ngọt của Nhật Bản, làm từ bột mì hoặc bột củ từ hấp, nhân đậu xay nhuyễn. Vỏ bánh manju làm từ bột jojo (củ từ), ở giữa là nhân đậu, được nặn thành hình tròn gần giống với bánh bao của Việt Nam. Manju là loại bánh ưa thích của trẻ em, bởi chúng thường có hình dạng ngộ nghĩnh và bắt mắt. Manju có rất nhiều loại với đa dạng hình dáng khác nhau nhưng phổ biến nhất là Manju Matcha và Manju Mizu. Ở đất nước hoa Anh Đào này Manju chủ yếu là bánh ngọt với nhân làm từ các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen…
7. Yokan
Yokan làm từ rong biển và đường mía, trông giống thạch, ăn rất mát trong mùa hè. Điểm đặc biệt của bánh Yokan là những hình vẽ chìm bên trong bánh. Qua lớp bánh trong suốt, những hình ảnh hiện lên rất sông động và tinh tế như một bức tranh thu nhỏ. Thời xưa đây là món quà tặng phổ biến của giới quý tộc.
8. Higashi
Higashi còn được gọi là wagashi khô, bánh được làm từ bột nếp và đường mía xay nhuyễn, cho vào khuôn và để khô, tương tự như bánh in. Cách thức trang trí trên “bánh in” higashi rất đậm chất điêu khắc, tạo cho higashi một vẻ đẹp độc đáo giữa muôn vàn loại wagashi khác.
Tin Beard Papa's tổng hợp