Những điều thú vị về chiếc bánh rán Dorayaki của Doraemon

Dorayaki không hẳn chỉ nổi tiếng nhờ Doraemon mà nó là một nét văn hóa truyền thống lâu đời ở Nhật Bản.


Doraemon là bộ truyện tranh gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam. Không những thế, ngày nay nhiều bạn đã trưởng thành vẫn còn thích mê nhân vật mèo ú này. Nếu đã từng xem truyện Doraemon thì chắc hẳn không ai quên được chiếc bánh rán "huyền thoại" mà hầu như tập nào cũng xuất hiện đúng không? Cùng tìm hiểu một chút về chiếc bánh rán này để biết được bao điều thú vị bên trong bạn nhé.

Vì sao gọi là Dorayaki?

Người Nhật cũng không rõ cái tên Dorayaki này xuất phát từ đâu, thế nhưng Dora ở đây nghĩa là cái cồng chiêng. Và có thể là do hình dạng bánh rán tròn như một cái cồng chiêng nên người ta gọi nó bằng cái tên Dorayaki từ lúc đó. Tuy nhiên, cũng có một truyền thuyết cho rằng, một người nông dân đã dùng chiếc cồng chiêng để rán bánh nên loại bánh rán này mới có tên là Dorayaki.

Ngoài cách gọi là Dorayaki thì ở vùng Kansai của Nhật Bản như Osaka hoặc Kyoto, người ta lại gọi loại bánh rán này là Misaka, có nghĩa là chiếc mũ rơm. Có lẽ do chiếc bánh rán có màu vàng giống như rơm lại tròn tương tự chiếc mũ nên có tên gọi từ đây.

Dorayaki ra đời cách đây hơn 100 năm

Mặc dù mới bắt đầu nổi tiếng từ khi bộ truyện mèo máy Doraemon ra đời nhưng trên thực tế, chiếc bánh rán Dorayaki này đã xuất hiện khá lâu trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Theo các tài liệu ghi chép lại thì Dorayaki được tạo ra trong giai đoạn Taisho (1912 - 1926) với hình dạng ban đầu là gồm một lớp bánh được gấp lại. Đến năm 1914, Dorayaki mới có 2 lớp bánh được phát minh ra bởi cửa hàng Usagiya ở quận Ueno.

Nếu muốn thưởng thức Dorayaki ở cửa hàng lâu đời nhất thì hãy đến Ueno

Usagiya ở Uneo, Taito-ku, Tokyo không chỉ được xem là cửa hàng bánh Dorayaki truyền thống lâu đời nhất Nhật Bản mà chất lượng bánh rán ở đây được đánh giá là ngon nhất. Điểm đặc biệt là bánh rán ở đây đều mới ra lò và cầm còn nóng hổi nên rất ngon khi thưởng thức ngay tại chỗ. Tuy nhiên, do cửa hàng đông khách nên bạn phải đi sớm hoặc đặt trước thì mới có bánh rán mà ăn, không thì chỉ đi về tay không mà thôi.

Dorayaki không chỉ có nhân đậu đỏ

Theo công thức truyền thống thì Dorayaki sẽ có nhân đậu đỏ bên trong vừa bùi vừa béo. Thế nhưng, theo thời gian, người Nhật còn sáng tạo ra thêm nhiều loại nhân lạ miệng khác. Do đó, nếu bạn không thích nhân đậu đỏ thì vẫn có thể thưởng thức bánh rán nhân đậu xanh, đậu trắng, hạt dẻ... hoặc thậm chí nếu mua Nama - Dorayaki, bạn sẽ còn được thưởng thức nhân kem, cà phê, trà xanh matcha, kem dâu tây...

Ngày bánh rán Dorayaki

Không chỉ là một loại bánh thông thường, Dorayaki còn có hẳn một ngày kỷ niệm riêng. Vào năm 2008, người Nhật đã chọn ngày 4/4 làm ngày kỷ niệm Dorayaki. Lý do chọn ngày này rất đơn giản là vì đây là loại bánh trẻ em Nhật Bản rất yêu thích. Trong khi đó, ngày bé gái ở Nhật là 3/3, ngày bé trai là 5/5 nên người Nhật đã chọn ngày ở giữa là 4/4 làm ngày bánh Dorayaki.

Vừa có một lịch sử truyền thống lâu đời lại vừa có hẳn một ngày kỷ niệm riêng, Dorayaki không chỉ đơn giản là chiếc bánh rán của chú mèo máy Doraemon mà nó còn có vị trí rất vững trong văn hóa ẩm thực của người Nhật.

Ngày nay, cách làm Dorayaki được lan truyền khắp mạng xã hội nên cũng không khó khăn gì để làm một chiếc bánh Dorayaki và thưởng thức tại nhà. Tuy nhiên, cảm giác thưởng thức chiếc bánh này ngay tại đất nước đã sáng tạo ra nó sẽ vẫn mang lại cảm giác hoàn toàn khác biệt. Do đó, nếu có dịp đến với Nhật Bản thì bạn đừng quên tìm mua ngay chiếc bánh rán Dorayaki để biết hương vị nguyên thủy của bánh như thế nào nhé.


Beard Papas's Hà Nội tổng hợp từ kenh14