Onigiri - Văn hóa ẩm thực và tình cảm của người Nhật.
Mỗi ngày người Nhật dành đến 1,5 tỷ yên chỉ riêng cho onigiri – một con số khủng khiếp.
Hajime Daichi năm nay 25 tuổi. Anh tốt nghiệp đại học cách đây vài năm và hiện giờ cũng giống như nhiều thanh niên Nhật khác, hàng ngày anh lắc lư trên những chuyến tàu vào trung tâm Tokyo và đến chiều về lại cũng trên những chuyến tàu về ngoại thành nơi mình sống. Bởi khoảng cách đi vào trung tâm khá xa như vậy và hàng tối trở về nhà muộn nên việc anh có thể dậy tự chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình gần như rất khó xảy ra.
Sáng sáng, việc rẽ vào cửa hàng tiện lợi mua vài cuộn cơm nắm (onigiri) với ít nước uống đã trở thành thói quen khó thay đổi của Daichi. Với mức lương không quá cao của người trẻ mới đi làm, việc anh phải tiết kiệm chi tiêu nhưng cũng vẫn cần no bụng cũng là điều dễ hiểu, onigiri đáp ứng đầy đủ những nhu cầu đó. Hàng chục triệu người Nhật cả già lần trẻ ăn onigiri mỗi ngày.
Onigiri (お握り) là cơm nắm của người Nhật. Nó thường có hình tam giác hoặc bầu dục và được phủ tảo biển (nori).
Theo truyền thống, onigiri có chứa umeboshi (mơ muối), shake (cá hồi muối), katsuobushi hay các thành phần được muối hay chua khác. Người ta có thể làm nó tại nhà, ăn kèm với soup miso, trứng hoặc rau. Nhưng nếu quá bận rộn, cũng chỉ cần mua và ăn nó tại nơi làm việc, rất nhanh và tiện.
Những nắm cơm nhỏ xinh của người Nhật có lịch sử từ thời kỳ Di Sinh (Yayoi) cách đây hơn 2.000 năm (từ năm 200 trước Công nguyên cho đến năm 250 sau Công nguyên). Từ thời điểm đó, người ta đã nắm lên những nắm cơm tròn từ thứ gạo hơi dính.
Tên gọi onigiri bắt đầu từ thời kỳ Nara (710-794). Từ đó, người Nhật đã bắt đầu mang theo onigiri trong các chuyến đi chơi của mình. Đến thời kỳ Kamakura (1185-1333), các võ sĩ Nhật (samurai) đi ra chiến trường. Tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian nhiều thế kỷ trên, người ta không dùng tảo biển để bao cơm nắm.
Đến thời kỳ Edo (1603-1868), người ta bắt đầu dùng tảo biển khô bao quanh onigiri và sau đó bắt đầu làm cơm hộp với onigiri làm thành phần chính. Onigiri có rất nhiều hình dáng khác nhau tùy vào người làm ra chúng, phổ biến nhất là hình tam giác hoặc hình tròn. Onigiri ngon được làm bằng tay tuy nhiên người Nhật sẽ không thích nếu nó được nắm quá chặt.
Thời kỳ Minh Trị Duy Tân, nước Nhật bắt đầu tích cực mở cửa đón văn hóa ngoại lai, đặc biệt văn hóa phương Tây, các cuộc cách mạng nông nghiệp đã giúp sản lượng lúa gạo tại Nhật tăng chóng mặt, nhờ vậy gạo càng giữ vị trí quan trọng hơn trong khẩu phần ăn hàng ngày của người Nhật.
Cuối thế kỷ 19, nhà ga tàu trên khắp nước Nhật bắt đầu bán bento với thành phần chính là 2 onigiri. Trong chương trình cải cách giáo dục Nhật năm 1899, Bộ Giáo dục Nhật cũng chính thức đưa onigiri vào các bữa trưa. Cho đến tận ngày nay, onigiri vẫn được ăn rất nhiều trong các bữa trưa tại trường học ở Nhật.
Onigiri cũng đi cùng người Nhật qua rất nhiều thảm họa thiên nhiên vốn xảy ra thường xuyên ở nước này.
Trận động đất khủng khiếp tại Nhật năm 1995, những người tình nguyện đã phân khối hàng triệu onigiri cho những người đang ở trong tình trạng khó khăn vì thảm họa.
Tin tức Beard Papa's Tổng Hợp.