Osechi - Cỗ Tết Nhật Bản (Món ăn Tết Nhật Bản)

“Osechi ryori” là bữa ăn mà hầu hết người Nhật Bản dùng vào đầu năm mới. Dù bạn có tìm ở khắp nước Nhật cũng sẽ không thể tìm được món Osechi trong thực đơn của nhà hàng Nhật Bản. Nó chỉ được nấu và thưởng thức trong vài ngày đầu của Tháng Giêng và tại nhà của người Nhật.

Osechi-ryōri (御節料理 hay お節料理) là bữa ăn mừng Tết Nhật Bản. Truyền thống này khởi đầu từ thời kỳ Heian (794-1185).Osechi khác biệt vì nó được đựng trong những chiếc hộp đặc biệt gọi là jūbako (重箱); tương tự như các hộp bento, các hộp jūbako thường được xếp gọn lại trước và sau khi dùng.

Ý nghĩa gốc của osechi là món ăn này giúp cho những người nội trợ (và gia đình họ) gặp may mắn và “sống sót” qua những ngày đầu năm mới khi những cửa tiệm, nhà hàng trên khắp nước Nhật đã đóng cửa Các thực phẩm để làm món Osechi có thể được chuẩn bị sẵn và để ở nơi thoáng mát trong vòng vài ngày mà không bị hư hỏng. Thông thường nhất, mọi thứ thường được đựng thành từng lớp trong các hộp sơn mài và có nhiều ngăn.

Osechi

Lịch sử

Theo nguyên gốc, từ osechi vốn được gọi là o-sechi nghĩa là một mùa hoặc một dịp đặc biệt. Tết Nhật Bản là một trong năm dịp lễ hội (節句 sekku) ở triều đình Kyoto. Phong tục đón các ngày lễ đặc biệt này được du nhập từ Trung Quốc. Theo truyền thống, trong suốt ba ngày đầu năm mới, phong tục là phải nấu và dùng những bữa ăn tốt cho sức khỏe, trừ việc nấu món súp zoni. Món này được nấu trước Tết vì trong Tết, phụ nữ sẽ không nấu nướng.

Vào những thời kỳ xa xưa hơn, osechi chỉ gồm có nimono, rau luộc trong nước tương, đường hoặc rượu mirin. Trải qua nhiều đời, số lượng món ăn trong bữa osechi tăng dần lên. Ngày nay, osechi gồm bất cứ món ăn nào dành riêng cho ngày Tết và nếu như các món ăn phương Tây được thêm vào thì gọi là "osechi Tây Phương" (西洋お節 seiyō-osechi); ngoài ra còn có loại "osechi Trung Hoa" (中華風お節 chūkafū osechi). Và, mặc dù theo truyền thống, osechi được làm tại nhà, nhưng nó cũng được bán sẵn ở nhiều nhà hàng, cửa hiệu, ví dụ như hệ thống siêu thị7-Eleven.

Trong các gia đình, mọi người ăn loại mì toshi-koshi soba (年越し蕎麦) tự làm vào đêm Giao Thừa. Tên của loại mì này có nghĩa là "niên việt kiều mạch" ("niên": năm, "việt": vượt, nghĩa là "sang năm mới", soba là lúa kiều mạch). Dù có nhiều ý nghĩa liên quan đến loại mì này như chúc trường thọ, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống trong năm tới, truyền thống này có một ý nghĩa thực tế hơn: cho phép người vợ nấu một món ăn đơn giản để họ nghỉ ngơi sau một năm bận rộn nấu những món cầu kỳ cho mọi người. Người ta tin rằng nếu ăn còn chừa lại, dù chỉ là một sợi mì toshi-koshi soba thì sẽ gặp điều xấu vào năm mới.

Sơ lược về một hộp Jubako

Theo thứ tự từ trên xuống dưới, một hộp Jubako gồm có:

  • Ichi no Ju: khay đầu tiên trong cỗ tết Osechi bao gồm những món ăn mang ý nghĩa tốt lành dùng để nhắm rụ như Kuromame (đậu đen bung), Kazunoko (trứng cá trích muối), Tazukuri (cá sấy)… thay cho lời chúc năm mới.
  • Ni no Ju: khay này tập trung vào những món ngọt dịu như Kobumaki (rong biển cuộn), Kurikinton (bánh làm từ hạt dẻ), Datemaki (trứng cuộn)…
  • San no Ju: món chín của khay này là những đồ nướng với nguyên liệu hải sản như tôm, cá, mực… tượng trưng cho ý nghĩa “Niềm hạnh phúc từ biển”.
  • Yo no Ju: bao gồm những món kho từ nguyên liệu rau củ như hạt sen, củ sen, nấm, cà rốt,... tượng trưng cho ý nghĩa “Niềm hạnh phúc từ núi”.

Osechi

Các món trong một bữa ăn Osechi

Mỗi món ăn trong Osechi đều có ý nghĩa đặc biệt để đón chào năm mới.

  • Daidai (橙- Hán Việt: tranh- nghĩa là "cây / trái cam" cũng có nghĩa là "đắng"): món cam đắng Nhật Bản. Daidai có nghĩa là "từ thế hệ này đến thế hệ khác" khi được viết bằng chữ kanji là 代々. Giống như món kazunoko dưới đây, món này biểu tượng cho một lời chúc dành cho trẻ em vào dịp năm mới.
  • Datemaki (伊達巻 hoặc 伊達巻き- y đạt quyển, trong đó từ "quyển" có nghĩa là "cuộn"), trứng cuộn vị ngọt trộn với tương cá hoặc tôm nghiền. Món này tượng trưng cho lời chúc cho nhiều ngày tốt lành. Vào ngày lành (晴れの日, hare-no-hi), theo truyền thống, người Nhật mặc đồ đẹp để thấy vui vẻ. Từ kanji 伊 (từ Hán Việt: "y") có nghĩa là "trang phục", bắt nguồn từ trang phục lộng lẫy của các samurai từ các thái ấp được sắc phong (tiếng Nhật: Han) Date.

  • Kamaboko (蒲鉾): bánh cá nướng. Theo truyền thống, các lát kamaboko trắng đỏ sẽ được xếp xen kẽ thành hàng hoặc xếp theo một hoa văn nào đó. Màu sắc và hình dạng của chúng gợi nhớ đến Nhật Bản với biệt danh "đất nước mặt trời mọc" với ý chúc mừng.
  • Kazunoko (数の子): món trứng cá trích. Kazu có nghĩa là "số" và "ko" nghĩa là "đứa trẻ". Món này tượng trưng cho lời chúc con đàn cháu đống dịp năm mới.
  • Konbu (昆布) là một loại tảo biển. Từ này liên quan tới từ yorokobu, nghĩa là "vui vẻ".
  • Kuro-mame (黒豆), đậu nành đen. Mame nghĩa là "khỏe mạnh", tượng trưng cho lời chúc sức khỏe cho năm mới.
  • Kohaku-namasu (紅白なます), có nghĩa là "rau kuai đỏ trắng", được làm từ cà rốt và củ cải trắng xắt sợi, muối chua ngọt với giấm và nước quýt yuzu (cây lai giữa quýt và chanh Nghi Xương).
  • Tai (鯛), cá tráp biển đỏ. Tai liên quan đến từ medetai trong tiếng Nhật tượng trưng cho những điều tốt lành.
  • Tazukuri (田作り): cá mòi khô sốt nước tương. Viết bằng từ kanji, tên món ăn có nghĩa đen là "người khai khẩn ruộng lúa", vì trong lịch sử, cá đã được sử dụng để làm giàu đất ruộng. Món này tượng trưng cho vụ mùa bội thu.
  • Zōni (雑煮): món canh gạo viên (mochi) nấu với nước dùng trong (ở miền đông Nhật Bản) hoặc với nước súp miso (ở miền tây Nhật Bản).
  • Ebi (エビ), tôm rim với rượu sake và nước tương.
  • Nishiki tamago (錦卵): trứng cuộn với lòng trắng lòng đỏ tách riêng, lòng đỏ tượng trưng cho vàng còn lòng trắng tượng trưng cho bạc.

Tin tức Beard Papa's Tổng Hợp.