Phân biệt toàn bộ các loại mỳ Nhật Bản
Khi nói đến cụm từ "mì Nhật Bản" chung chung, hẳn ai cũng nghĩ đến mì ramen, hoặc ai quen với các món Nhật hơn một chút sẽ biết thêm một loại ấy là udon. Rất ít người có thể nhìn món mì mà chỉ mặt gọi tên chính xác loại mì mình đang ăn. Tuy nhiên mì ở Nhật Bản có nhiều hơn chỉ hai loại trên, và cũng có thể được phân biệt bằng một số điểm rất rõ ràng. Để không bị "hố" khi đi ăn mì Nhật, hãy cùng chúng mình khám phá qua một số loại mì Nhật phổ biến và cách phân biệt chúng nhé!
Ramen
Ramen có lẽ là món mì nổi tiếng nhất đất nước mặt trời mọc cũng như trên toàn thế giới. Món mì này có một người "anh em song sinh" ở Hàn tên làm ramyeon. Hai loại này thì giống nhau và thường được xem là một bởi vì cùng được làm từ lúa mì. Một số điểm nhận dạng sợi ramen ấy là sợi mì vàng, khá mảnh và có độ xoăn, cong nhất định, khi nhai sẽ có cảm giác dai dai. Mì ramen thường được ăn kèm súp, nước lèo nóng.
Somen
Somen cũng được làm từ lúa mì giống ramen, nhưng là những sợi mảnh hơn. Somen có kết cấu gần như bún gạo Việt Nam vậy, tuy nhiên sợi có một chút dai hơn và ko dễ nát bằng. Somen thường được ăn như mì nóng hoặc mì lạnh. Mì somen dễ thấm gia vị nên các loại nước dùng ăn kèm đa phần đều khá nhạt để không làm mặn sợi mì.
Udon
Udon rất dễ nhận biết do sợi mì to, hơi vuông và khá đậm mùi bột lúa mì. Udon có kết cấu gần giống như sợi mì của món Cao Lầu Hội An (một số tài liệu còn cho rằng Cao Lầu có nguồn gốc từ udon thời người Nhật hay lui đến vùng này). Sợi mì udon thường có màu trắng, vị nhạt nên hay được ăn cùng các loại nước dùng đậm vị nấu từ các loại thịt.
Soba
Khác với những loại trên, mì soba được làm từ kiều mạch (lúa mạch đen), gần giống như các loại miến, mì làm từ gạo lức của Việt Nam. Sợi mì soba có thể mảnh như somen, có màu xám hoặc nâu sậm, sợi dai. Mì soba có thể được ăn lạnh hoặc nóng. Đặc biệt, mì soba là loại mì được dùng vào các lễ hội mì ống tre vào mùa Hè của Nhật, ăn kèm với nước tương Nhật.
Shirataki
Shirataki là loại mì được làm từ bột konjac (một loại củ gọi là khoai nưa). Người ta thường dùng khoai nưa làm nguyên liệu cho các loại thạch nên mì shirataki được làm từ khoai nưa cũng có ngoại hình gần như trong suốt và có kết cấu dai dai từ tựa như các loại thạch rau câu. Shirataki thường là món mì ăn kèm trong các loại lẩu như sukiyaki hoặc lẩu oden.
Harusame
Harusame giống với các loại miến làm từ đậu xanh của Việt Nam, với sợi gần như trong suốt và mảnh. Đây là một loại mì không phổ biến lắm, thường được dùng trong các món xào hoặc súp Nhật Bản.
Tin tức Beard Papa's Tổng hợp.